Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 07/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định.
1. Đối tượng và khi nào phải làm thẩm định phục hồi môi trường?
Các đối tượng phải lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường được quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 19/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường, cụ thể như sau:
– Tổ chức, cá nhân lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản;
– Tổ chức, cá nhân đang khai thác khoáng sản nhưng chưa có phương án được phê duyệt hoặc chưa ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường;
– Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã có phương án được phê duyệt nhưng không triển khai thực hiện dự án trong thời gian 24 tháng kể từ thời điểm được phê duyệt thì phải lập lại phương án.
Theo đó, người nộp phí là các tổ chức, cá nhân đề nghị cơ quan có thẩm quyền ở trung ương thực hiện thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường.
2. Cơ quan có chức năng thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường:
Theo Nghị định 40/2019/NĐ-CP, Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường như sau:
(i) Đối với các dự án được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường sau thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành (phương án là một phần trong báo cáo đánh giá tác động môi trường) thì hẩm quyền thẩm định, phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường thực hiện theo thẩm quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
(ii) Đối với các đối tượng còn lại (điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 5 Nghị định 19 (sửa đổi tại Nghị định 40), thẩm quyền thẩm định, phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường được thực hiện như sau:
– Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định, phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường đối với các dự án thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định, phê duyệt phương án cải tạo phục hồi môi trường đối với các dự án thuộc thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc cơ quan nhà nước được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường tổ chức thu phí thẩm định theo quy định tại Thông tư này.
3. Mức thu phí:
Theo quy định mới của Bộ Tài chính, phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định có mức thu từ 6 triệu đến 61 triệu đồng tùy thuộc vào tổng vốn đầu tư dự án. Mức thu phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường được quy định như sau:
Tổ chức thu phí phải nộp 100% tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động thẩm định, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí thì được trích để lại 70% tổng số tiền phí thu được để chi cho hoạt động thẩm định, thu phí và nộp 30% tổng số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/3/2023.
Nguồn: NGO tổng hợp