V | E

THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP NƯỚC THẢI SINH HOẠT ĐÔ THỊ

TÌnh trạng ô nhiễm nước thải sinh hoạt tại các đô thị lớn khá nghiêm trọng, là hệ quả của việc quy hoạch đô thị thiếu khoa học, biến đổi khí hậu, hệ thống và năng lực xử lý nước thải sinh hoạt còn hạn chế… Đây là những vấn đề được dư luận quan tâm và mong chờ giải pháp xử lý hiệu quả từ nhà nước, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp.

1. Thực trạng xử lý nước thải sinh hoạt đô thị hiện nay và hệ quả

Các đô thị tại Việt Nam đang phát triển nhanh khiến cho việc thoát nước, xử lý nước thải sinh hoạt còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, vấn đề thiếu hụt nguồn vốn, hạ tầng kĩ thuật xử lí nước thải chưa được đầu tư, công nghệ chưa phù hợp dẫn tới nước thải sinh hoạt không được xử lý, ảnh hưởng xấu tới môi trường.

Theo ước tính, có khoảng 80% - 90% nước thải bị xả thẳng ra môi trường. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt tại đô thị được xử hiện nay mới chỉ đạt khoảng 13%. Tình trạng này tiếp diễn thì chỉ 20 - 30 năm nữa, thế hệ sau sẽ không có nước sạch để dùng.

Tình trạng ô nhiễm nước thải tại cấc đô thị lớn

2. Phân tích các nguyên nhân

Theo các phân tích của chuyên gia, quá trình đô thị hóa không đi kèm với phát triển hạ tầng nên việc thu gom nước thải và xử lý nước thải sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Đây là một vấn đề mang tính lâu dài. Tại các đô thị ở Việt Nam đa số là hệ thống xử lý nước thải chung mà theo quy định, cần tách riêng 2 hệ thống song hành.

Bên cạnh đó, mật độ xây dựng tăng, công trình dân sinh và chức năng xen lẫn, cộng thêm đường ống được làm từ lâu nên nhỏ và phức tạp, không đáp ứng được nhu cầu, cần được nâng cấp và mở rộng. Việc thu gom và xử lý nước thải cần nguồn vốn rất lớn, nhưng hiện nay vẫn chưa thu hút và tiếp cận được từ các nguồn vốn trong và ngoài nước.

3. Phương hướng và cách thức giải quyết

Hiện nay, nhiều cơ chế, chính sách, quy định và hướng dẫn quản lý, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị đã được hoàn thiện và ban hành, bám sát các nghị quyết của Đảng về bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, để đảm bảo hạ tầng xử lý nước thải đòi hỏi đầu tư vô cùng lớn, theo tính toán sơ bộ tối thiểu cần 20 tỉ USD. Do đó, cần rà soát lại từ bước cơ chế chính sách, đến nguồn nước, công nghệ.

Về công nghệ, từ trước đến nay chúng ta vay vốn ODA nên chấp nhận công nghệ nước ngoài. Tương lai nếu chủ động được nguồn tài chính thì sẽ có nguồn lực về công nghệ trong nước. Tuy vậy, cần tùy thuộc vào từng vùng, địa phương mà áp dụng công nghệ phù hơp.

Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt Bình Hưng Hòa, TP. Hồ Chí Minh

Về huy động nguồn lực, cần xem lại hệ thống cơ chế chính sách hiện hành để khơi thông nguồn lực quốc gia, phát triển hợp tác quốc tế. Cần chuyển đổi không sử dụng hoạt động công ích, kêu gọi đầu tư tư nhân, cổ phần hóa công ty cấp nước; chính sách phải thay đổi theo hướng xã hội hoá, trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền và làm sao để công tác này có nguồn thu.

Được biết, hiện nay, Bộ Xây dựng đang bắt đầu triển khai sửa đổi các quy chuẩn hạ tầng kỹ thuật, đầu tư triển khai lĩnh vực thoát nước; đề xuất sửa đổi các nghị định về hạ tầng kỹ thuật, cấp thoát nước, cây xanh, trình Chính phủ phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng; đề xuất dự án Luật Cấp thoát nước trình Quốc hội thông qua năm 2023 - 2024.

Nguồn: NGO tổng hợp